VNTEC chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế và lắp đặt, thi công hệ thống lọc nước giếng khoan quy mô gia đình và công nghiệp.
Nếu các bạn nghi ngờ nước mình đang sử dụng bị nhiễm phèn, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua số hotline 0901825585- 0901845585 để được tư vấn miễn phí
NHIỄM PHÈN
Nước giếng khoan là nguồn nước ngầm nằm sâu trong lòng đất. Do vấn đề về vị trí địa lý và điều kiện kinh tế chưa thể sử dụng nước sạch, rất nhiều hộ gia đình ở vùng ngoại thành và nông thôn vẫn còn thói quen sử dụng nước giếng trong đời sống sinh hoạt.
Thực trạng nguồn nước giếng khoan ở Việt Nam tùy thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng từng khu vực. Đối với khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương… nguồn nước bị nhiễm phèn khá nặng nề. Đặc điểm là nước bơm lên rất trong, có mùi tanh, để tiếp xúc với không khí sau khoảng 30 phút có nhiều cặn màu vàng hay nâu vàng, nổi váng trên bề mặt..
Phèn ở đây có thể được hiểu bao gồm phèn sắt và phèn nhôm, trong đó chủ yếu là phèn sắt. Sắt trong nước giếng khoan thường tồn tại ở dạng Fe(II) trong thành phần của các muối hòa tan như sunfat, clorua, bicacbonat…
Nguyên nhân chủ yếu là do đặc tính thổ nhưỡng. Đây là mối liên kết mật thiết giữa đất và nước.
Nước nhiễm phèn thường xuất hiện ở những vùng ven biển, các vùng ngập nước được bồi lấp… Trên thế giới hiện nay có khoảng 15 triệu ha đất phèn, tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á (chiếm 50 % diện tích). Trong đó, Indonesia có diện tích đất phèn lớn nhất thế giới (2 triệu ha); sau đó đến Việt Nam (1,8 triệu ha).
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghiệp hiện nay, tình trạng đất và nước bị ô nhiễm hóa chất ngày một cao, hàm lượng anion sunfat và các cation kim loại cao sẽ dẫn đến nước nhiễm phèn nặng.
Nước giếng khoan nhiễm phèn có pH thấp, khoảng 2,5-3,5; hàm lượng Fe, Mn, Al, SO42-… cao. Ở đây, chúng ta đề cập đến các giải pháp xử lý hoàn thiện và triệt để, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Ngoài ra, trong dân gian vẫn có 1 số phương pháp khác như lọc nước qua lớp tro bếp hay lớp bã thơm đã được sấy khô, tuy nhiên chúng chỉ xử lý được một phần nhỏ, nước đầu ra chưa đạt chuẩn chất lượng.
Nước giếng khoan thường không chứa ôxy hoà tan hoặc có hàm lượng ôxy hoà tan rất thấp. Để tăng nồng độ ôxy hoà tan trong nước giếng khoan, biện pháp đơn giản nhất là làm thoáng.
Tăng nồng độ khí oxy khuếch tán vào nước nhằm oxy hóa Fe (II) thành Fe(III) ở dạng kết tủa, cặn Fe(III) sau đó được tách ra bằng quá trình lắng lọc.
Có các phương pháp làm thoáng như: làm thoáng đơn giản, giàn mưa, làm thoáng cưỡng bức, Ejector…
Thiết kế hệ thống lọc nước phèn với nhiều tầng vật liệu lọc, trong đó có các vật liệu lọc chuyên khử sắt như cát mangan, hạt lọc filox, ODM… Các vật liệu lọc này xúc tác tăng tốc độ oxy hóa Fe(II).
Đối với các hộ gia đình, có thể xây bể lọc nước giếng khoan bằng bêtông đặt tại nhà hoặc lắp đặt các cột lọc nước giếng khoan, bồn lọc nước giếng khoan bằng vật liệu composite.
Khi trong nước có chất hữu cơ, chúng tạo thành lớp keo bảo vệ ion sắt, ngăn cản quá trình thủy phân và oxy hóa sắt. Trong trường hợp này, muốn khử sắt trước hết phải phá vỡ màng bảo vệ hữu cơ bằng các chất oxy hóa mạnh.
Đối với nước ngầm, khi hàm lượng sắt quá cao đồng thời tồn tại cả H2S thì lượng oxy thu được bằng làm thoáng không đủ để oxy hóa toàn bộ H2S và sắt, lúc này cần sử dụng hóa chất để khử sắt.
Một số hóa chất thường dùng trong quá trình khử sắt như: KMnO4, Cl2, ClO2, O3 và vôi.
Màng lọc RO có hiệu suất xử lý cao, có thể loại bỏ đến 98-99% Fe, 97-98% Al, 96-98% Mn…xử lý hầu hết các muối hòa tan, các chất hữu cơ, vi khuẩn, virus…trong nước. Phương pháp này hiệu suất cao tuy nhiên phải có hệ thống tiền xử lý và tốn chi phí khá cao. Cần căn cứ vào yêu cầu chất lượng nguồn nước đầu ra và công suất xử lý để cân nhắc sử dụng phương pháp này.
Sử dụng cột lọc trao đổi cation. Tuy nhiên phương pháp này còn nhiều hạn chế do khi có sự oxy hóa Fe và Mn xảy ra gây kết tủa trên bề mặt hạt vật liệu, do đó hiệu suất xử lý không cao, chỉ khử được một lượng nhỏ sắt và mangan trong nước
Một số loại vi sinh có khả năng ôxy hoá sắt trong điều kiện mà quá trình ôxy hoá hoá học xảy ra rất khó khăn. Chúng ta cấy các mầm khuẩn sắt trong lớp cát lọc của bể lọc, thông qua hoạt động của các vi khuẩn, sắt được loại ra khỏi nước. Thường sử dụng thiết bị bể lọc chậm để khử sắt.
Căn cứ vào tính chất nước phèn cần xử lý và yêu cầu tiêu chuẩn nước đầu ra, có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp những phương pháp trên để đưa ra giải pháp lọc nước giếng khoan tối ưu và hiệu quả nhất.