Tại Trung Quốc, Wuxi Metal báo giá thép không gỉ ngày 2/6/2021 ở mức 2.457,49 USD/tấn, tăng 20% so với mức 2.059,56 USD/tấn đầu năm 2021 và tăng 39% so với mức 1.769,16 USD/tấn một năm trước đây.
Trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc), giá thép không gỉ kỳ hạn giao sau 1 tháng ngày 4/6/2021 ở mức 15.535 CNY/tấn, tăng 16% so với mức 13.385 CNY/tấn đầu năm 2021 và tăng 20% so với 12.955 CNY/tấn cách đây một năm.
Tình trạng khan hiếm thép không gỉ xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới do công suất sản xuất tăng chậm hơn so với tốc độ tăng nhu cầu, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19 và việc vận chuyển hết sức khó khăn do tình trạng thiếu container vẫn còn tiếp diễn, nhất là đối với những hàng hóa nặng như sắt thép.
Xu hướng giá thép không gỉ tăng dự báo sẽ còn tiếp diễn do những diễn biến gần đây liên quan đến chính sách thương mại đối với các sản phẩm thép không gỉ – gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Các nhà sản xuất thép không gỉ Trung Quốc kể từ 1/5/2021 không còn được hưởng mức bồi hoàn thuế xuất khẩu 13% đối với mặt hàng này, làm giảm mạnh động lực xuất khẩu từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và khiến họ chuyển hướng tập trung vào cung cấp thép cho thị trường nội địa thay vì xuất khẩu.
Theo Fastmarkets, giá thép xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng một cách hợp lý, trên cơ sở các yếu tố cơ bản (cung – cầu) mạnh mẽ. Tuy nhiên, kể từ sau khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu thì giá đã và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhiều hơn mức dự kiến.
Và mặc dù các nhà xuất khẩu đã chuyển hướng tập trung cung ứng thép cho thị trường nội địa, song giá thép tại Trunhg Quốc vẫn tiếp tục tăng, cho thấy sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ở thời điểm này đang rất mạnh mẽ. Do đó, lợi nhuận của các nhà sản xuất thép cũng tăng lên, hiện đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm.
Tác động lâu dài của động thái trên sẽ dẫn tới việc thúc đẩy giá sàn đối với mặt hàng thép không gỉ toàn cầu tăng lên, và những nhà sản xuất ở những thị trường trước đây chịu sự cạnh tranh gay gắt với thép không gỉ của Trung Quốc thì nay giảm bớt áp lực này.
Dĩ nhiên, động thái của Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Châu Âu, nơi mà nguyên liệu của Trung Quốc từ lâu đã trở nên đắt đỏ do thuế chống bán phá giá cao, khiến thép Trung Quốc hầu như không có mặt trên thị trường Châu Âu nữa.
Điều này có thể sẽ thay đổi trong ngắn hạn, bởi giá thép ở Châu Âu liên tục tăng gần đây, đến mức hàng nhập khẩu dù chịu thuế chống bán phá giá thì vẫn có thể cạnh tranh được với hàng nội địa. Tuy nhiên, nhìn chung, người tiêu dùng Châu Âu ngày càng có ít lựa chọn cho hàng nhập khẩu.
Về cung – cầu thép không gỉ trên toàn cầu, sau khi sản lượng sụt giảm trong năm 2020, dự báo sản lượng thép không gỉ của thế giới sẽ tăng trong năm 2021, với tốc độ tăng dự kiến là trên 8%.
Hoạt động mạnh mẽ ở Trung Quốc chính là động lực chính cho sự gia tăng sản lượng dự đoán trong năm nay. Các nhà máy thép Trung Quốc đã tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu nội địa đang ở mức rất cao do những chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ và do xu hướng giá cao chung trên toàn thế giới.
Sản lượng thép không gỉ của Mỹ năm nay dự báo sẽ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với con số được ghi nhận vào năm 2019. Allegheny Technologies Incorporated đang có kế hoạch rút khỏi thị trường thép không gỉ trong năm nay. Công của công nhân tại một số cơ sở của hãng này có thể sẽ còn tổ chức những cuộc đình công trong thời gian tới.
Sản lượng thép không gỉ của Liên minh Châu Âu năm nay dự báo sẽ tăng hơn 10%. Công ty phân tích MEPS đã nâng sản lượng của Châu Âu lên 7 triệu tấn, do chứng kiến sản lượng đã tăng mạnh trong tháng 1 và 2 vừa qua. Niềm tin của người tiêu dùng ở khu vực này đang tăng cao, là kết quả của việc các quốc gia phương Tây triển khai nhanh chóng các chương trình tiêm chủng. Việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã cho phép các lĩnh vực tiêu thụ thép không gỉ tiếp khôi phục hoạt động kinh doanh trở lại.
MEPS đã hạ dự báo về sản lượng thép không gỉ của Đài Loan xuống còn 890 nghìn tấn trong năm nay. Một vụ cháy công nghiệp lớn tại nhà máy Cao Hùng của Yieh Corp. dự kiến sẽ khiến xuất khẩu của Đài Loan giảm đáng kể trong quý II/2021.
Cũng theo MEPS, sản lượng thép không gỉ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ năm nay sẽ tăng trưởng 2 con số, bù đắp cho sự sụt giảm từ Đài Loan.
MEPS dự báo sản lượng sản xuất thép không giả của Indonesia năm nay sẽ tăng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 3 triệu tấn. Sản lượng tại nhà sản xuất địa phương, Tsingshan, vẫn ở mức cao, bất chấp việc hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Tại Diễn đàn thường thường niên về Thép Không gỉ toàn cầu (International Stainless Steel Forum – ISSF), các chuyên gia nhận định, Indonesia sẽ vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ để trở thành nước sản xuất thép không gỉ lớn thứ 2 thế giới, do các công ty Trung Quốc mở các cơ sở sản xuất khổng lồ ở Indonesia. Các chuyên gia tham dự hội nghị dự đoán Indonesia – hiện đứng thứ tư về sản xuất thép không gỉ toàn cầu, sẽ sản xuất 4,2 triệu tấn thép không gỉ tỏng năm nay, tăng 75% so với năm ngoái, và cũng cao hơn nhiều so với dự đoán của MEPS.
Tại Diễn đàn này, Hiệp hôi Phát triển Thép không gỉ Ấn Độ (ISSDA) cho biết sản lượng thép không gỉ của Ấn Độ sẽ từ 3,9 triệu tấn năm 2019 giảm xuống 3.2 triệu tấn năm 2020 và tăng lên 3,5 triệu tấn năm 2021. Chủ tịch của ISSDA, ông KK Pahuja cho biết: “Công suất thép không gỉ ở Indonesia đã được tăng lên 5,5 triệu tấn”, từ mức trung bình khoảng 2,2-2,4 tấn/năm trong 3 năm qua).
Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc đã hủy chính sách hoàn thuế xuất khẩu từ tháng 5, điều đó sẽ làm hạn chế xuất khẩu thép không gỉ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu thép không gỉ từ Trung Quốc giảm, song từ các công ty Trung Quốc ở Indonesia sẽ tăng đáng kể. Các chuyên gia tham dự hội nghị dự báo xuất khẩu từ Indonesia sẽ tăng gần gấp đôi.
“Các công ty Trung Quốc đã và đang xây dựng công suất lớn ở Indonesia. Khi mục tiêu hoàn thành, công suất sản xuất của Indonesia có thể lên tới 5,5 tấn, gấp 25 lần nhu cầu nội địa của Indonesia (khoảng 0,2 tấn), phần dư thừa sẽ dành hoàn toàn cho xuất khẩu”, ông KK Pahuja nói.
Tuy nhiên, xuất khẩu thép Indonesia vừa bị Liên minh Châu Âu đánh thuế. Theo đó, cuối tháng 5/2021, EU thông báo áp thuế tạm thời 13,6 đến 34,6% đối với thép tấm không gỉ cán nguội xuất xứ từ Indonesia và Ấn Độ.
Trên toàn cầu, Trung Quốc là nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 30 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn cầu trong tài khóa 2020. Trong khi sản lượng thép không gỉ toàn cầu giảm 2,5% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, sản xuất của Trung Quốc tăng 2,5%.
Thị trường thép không gỉ Ấn Độ là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai sau Trung Quốc và là mục tiêu áp thuế chống bán phá giá quy mô lớn đối với các sản phẩm thép tấm không gỉ. Trước giai đoạn Covid 2019-20, có tới 24% thép không gỉ trên thị trường là hàng nhập khẩu, trong đó một nửa đến từ Indonesia.
Trên thị trường Việt Nam, trước những năm 2000, thép không gỉ ống hộp chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu,.. nhưng với mức giá khá cao và không đa dạng về mẫu mã. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế và mức thu nhập của người dân, thị trường này cũng phát triển nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu nhận ra tiềm năng của thị trường này. Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 10 hãng sản xuất ống hộp, hộp lớn inox như Hoàng Vũ, Sơn Hà, Tiến Đạt, Inox Quốc tế iHBI – TVL… và có thể cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Xuất khẩu thép không gỉ của Việt Nam cũng dần gia tăng.
Tuy nhiên, trong sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, sản phẩm của Việt Nam cũng chịu nhiều áp lực.
Mới đây, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia thông báo chính thức áp dụng thuế chống bán phá đối với thép không gỉ cán nguội của Indonesia và Việt Nam, trong đó mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam là từ 7,81% đến 23,84%. Thuế này có hiệu lực trong 5 năm, từ 24/4/2021 đến 23/4/2026.
Trong thời gian tới, các nhà máy thép trên toàn thế giới đang khôi phục hoạt động trở lại, sau giai đoạn cắt giảm sâu vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn vượt xa công suất sản xuất. Do đó, giá nguyên liệu nói chung, trong đó có thép không gỉ, vẫn tăng mạnh, buộc người mua phải chật vật tìm nguồn cung.
Sau giai đoạn đó, dự báo tình trạng khan hiếm hàng hiện tại sẽ giảm dần khi sản lượng tăng mạnh hơn nữa.
Tổng hợp từ Metalbulletin, Meps, Hellenicshippingnews
Nguồn: https://cafef.vn/gia-thep-khong-gi-toan-cau-co-the-tang-manh-hon-nua-20210606151227119.chn